Lịch sử
I. Lịch sử hình thành Trường Đại học Hàng hải (1956-1983)
A. Thời kỳ 1956-1958 (Trường Sơ cấp Hàng hải)
Ngày 01/4/1956, Trường sơ cấp Lái tàu được thành lập tại Nhà máy nước đá, đường Cù Chính Lan Thành phố Hải Phòng (nay là trụ sở của Công ty vận tải thủy số 3). Đồng chí Kiều Công Quế, giám đốc Cảng Hải Phòng, kiêm Hiệu trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Quế làm Phó Hiệu trưởng thường trực. Khóa đầu có 120 học sinh. Ngày 01/7/1956, tại số 5 Bến Bính Trường sơ cấp Máy tàu được thành lập. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên làm Hiệu Trưởng. Đầu năm 1957, sáp nhập Trường Sơ cấp Lái tàu và Trường Sơ cấp Máy tàu thành trường Sơ cấp Hàng hải, trụ sở tại số 5 Bến Bính Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Tiên bổ nhiệm quyền Hiệu trưởng.
B. Thời kỳ 1959-1961 (Trường Trung cấp Hàng hải)
Đầu năm 1959, Trường Sơ cấp Hàng hải được nâng lên thành trường Trung cấp Hàng hải trực thuộc Tổng cục Giao thông thủy bộ trụ sở tại số 5 Bến Bính Hải Phòng. Đồng chí Lê Văn Cường được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, đồng thời giữ chức Bí thư Đảng ủy; đ/c Nguyễn Văn Tiên làm phó Hiệu trưởng (các đồng chí Đặng Văn Qua, Đào Văn Quang sau đó thay đồng chí Lê Văn Cường làm Hiệu trưởng). Tháng 9/1959 Trường chuyển địa điểm về số 8 Trần Phú Hải Phòng, thành lập bộ phận Điện tàu thủy và tạm thời nằm trong Ban Máy tàu thủy do đồng chí Lê Xuân Khảm phụ trách.
Ngân hàng Công thương Hải Phòng nơi đào tạo những lớp Trung cấp Hàng hải đầu tiên (1959-1961) |
C. Thời kỳ 1962-1975 (Trường Hàng hải Việt Nam)
Tháng 5/1962 Nhà trường thành lập Ban Điện tàu thủy do đồng chí Phan Xuân Ngọc làm trưởng ban. Trường chuyển trụ sở từ số 8 Trần Phú về tiếp quản Trường Học sinh Miền Nam số 19 và 21 ở Cầu Rào. Đồng chí Lê Văn Cường làm Hiệu trưởng đến hết năm 1960. Tháng 1/1963 Trường đón đoàn chuyên gia Liên Xô gồm 4 người thuộc các chuyên ngành: Kinh tế vận tải, Hàng hải, Máy tàu, Điện tàu thủy sang giúp về bồi dưỡng giáo viên và xây dựng mục tiêu đào tạo. Năm 1965 Trường sơ tán về các Xã ngoại thành thuộc Huyện Tiên Lãng Hải Phòng. Thành lập Ban Vỏ tàu thủy do đồng chí Nguyễn Văn Phiêu phụ trách. Mở thêm lớp Sơ cấp Thương vụ, Sơ cấp Hàng giang học 18 tháng. Mở thí điểm lớp Đại học Tại chức các ngành Hàng hải như: Lái tàu, Máy tàu, Điện tàu thủy (gọi là lớp Đại học Chống Mỹ). Đến năm 1966, chính thức thành lập Khoa Đại học Hàng hải tại Huyện Quỳnh Phụ, Tỉnh Thái Bình, các đồng chí Nguyễn Minh Thuyết phụ trách ngành Lái tàu; đồng chí Nguyễn Diên Niên phụ trách ngành Máy tàu thủy; đồng chí Phan Xuân Ngọc phụ trách ngành Điện tàu thủy. Năm 1968, Nhà trường mở thêm lớp đào tạo giáo viên ngành Hàn tàu.
Năm 1970, hợp nhất các tổ Vỏ tàu, Hàn tàu, Sửa chữa máy thành Ban Cơ khí thủy. Từ 1971-1975 Trường chuyển về 338 Lạch Tray (Cầu Rào) chuẩn bị cho bước phát triển mới. Thời kỳ 1974-1975 đồng chí Đỗ Viết Sử được giao quyền Hiệu trưởng; đồng chí Hoàng Văn Nhuận làm Bí thư Đảng ủy thời kỳ 1975-1976.
D. Thời kỳ 1971-1984 (Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy)
Phân hiệu Đại học Giao thông đường thủy (GTĐT) được thành lập theo Quyết định số 115/CP của Chính phủ trên cơ sở các ngành Đại học Cơ khí thủy, Công trình thủy, Vận tải thủy của Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) và Khoa Đại học Hàng hải, đồng chí Vũ Lăng được bổ nhiệm Hiệu trưởng. Năm 1973 Trường được Chính phủ giao đào tạo 10 ngành học. Tháng 01/1973 Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho Trường Hàng hải Việt Nam đón các ngành học thuộc Khoa Hàng hải từ Phân hiệu GTĐT về, chiêu sinh khóa mới, chuẩn bị thành lập Trường Đại học Hàng hải. Tháng 4 năm 1974 các ngành thuộc khoa Hàng hải từ Phân hiệu đã được bàn giao xong. Trường Hàng hải chuyển từ nơi sơ tán về số 338 Lạch Tray, Hải Phòng.
Khu Giảng đường Trường Đại học GTĐT tại Phương Lưu, Vạn Mỹ, Hải Phòng. | Khu Hiệu bộ Trường Đại học Giao thông Đường thủy tại Phương Lưu, Vạn Mỹ, Hải Phòng. |
E. Thời kỳ 1976-1983 (Trường Đại học Hàng hải)
Ngày 27/10/1976 Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 426/TTG nâng Trường Hàng hải Việt Nam lên thành Trường Đại học Hàng hải, đồng chí Trần Thiện Vụ trưởng Vụ Giáo dục Bộ GTVT kiêm Hiệu trưởng Nhà trường, đồng chí Trần Ngọc Ân làm Bí thư Đảng ủy. Trường thành lập khoa Tại chức- bổ túc, mở lớp bồi dưỡng sĩ quan cấp trưởng, mở thêm ngành Điện tàu thủy. Tháng 01 năm 1977 Bộ GTVT bổ nhiệm đồng chí Trần Hữu Nghị Trưởng khoa Máy tàu; đồng chí Nguyễn Hữu Lý- Trưởng khoa Lái tàu, đồng chí Phan Xuân Ngọc Trưởng khoa Điện. Tháng 4/1979 đồng chí Lê Đức Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
II. Thời kỳ xây dựng và trưởng thành 1984-2000
Tháng 3/1984 Bộ GTVT Quyết định số 419QĐ/TCCB nhập trường ĐHGTĐT vào Trường Đại học Hàng hải. Trường Đại học Hàng hải giữ nguyên phiên hiệu, dấu và tài khoản; đồng chí Lê Đức Toàn được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Tháng 8/1989 Bộ GTVT chuẩn y mục tiêu, chương trình, nội dung đào tạo các ngành học của Trường gồm: 10 ngành Đại học 5 năm, 01 ngành Đại học 4 năm và 2 ngành Trung học đào tạo 3 năm. Tháng 9/1992, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho mở đào tạo Cao học các ngành Bảo đảm an toàn Hàng hải, Thiết bị năng lượng tàu thuyền, Điện tàu thủy, Đóng tàu, Xây dựng công trình thủy, Kinh tế vận tải thuỷ…Tháng 4 năm 1997 PGS-TS Trần Đắc Sửu được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng thay đồng chí Lê Đức Toàn.
Hiệu trưởng Lê Đức Toàn bàn giao nhiệm vụ Hiệu trưởng cho đồng chí Trần Đắc Sửu (1/4/1997). | Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trường và tiếp xúc với lãnh đạo Nhà trường |
Năm 1998 được mở thêm 3 ngành đào tạo hệ đại học: Điện tự động công nghiệp, Kinh tế ngoại thương, Xây dựng dân dụng và công nghiệp.
III. Trường Đại học Hàng hải phát triển và hội nhập (từ năm 2000 đến nay).
Năm 2004, đồng chí Đặng Văn Uy- Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng thay đồng chí Trần Đắc Sửu.. được Bộ GTVT điều động đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam, đồng chí Phạm Tiến Tỉnh được Thảnh ủy cử làm Bí thư Đảng ủy. Tháng 9/2005 tại Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2005 - 2008 đồng chí Đặng Văn Uy được bầu làm Bí thư.
- Ngày 28/3/2012, PGS.TS. Lương Công Nhớ - Phó Hiệu trưởng được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng thay PGS.TSKH. Đặng Văn Uy.
- Theo Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 03/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Trường Đại học Hàng hải thành Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và là một trong 17 trường trọng điểm quốc gia của cả nước.
- Năm 2013: Tiếp nhận Trường Cao đẳng nghề VMU (tiền thân là Trường Cao đẳng nghề Vinashin trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy);
- Năm 2014: Tiếp nhận Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Lâm Động và Dự án Nhà máy đóng tàu Lâm Động (trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy);
- Năm 2014: Tiếp nhận Viện Khoa học công nghệ tàu thủy (trực thuộc Bộ Giao thông vận tải);
- Năm 2014: Tiếp nhận Dự án “Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy” và di dời xây dựng ở cơ sở mới của trường tại xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.
- Ghi nhận những đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế biển của đất nước, tháng 11/2014 PGS.TS. Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Nhà trường vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà Giáo nhân dân.
- Ngày 1/4/2016, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
- 15h30’ ngày 23/5/2019, Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho PGS.TS. Phạm Xuân Dương.
Căn cứ Luật Giáo dục Đại học năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện quy trình kiện toàn chức danh Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025 kịp thời và theo đúng quy định.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GTVT, sáng ngày 07/05/2021, Ông Trần Văn Lâm - UVBCSĐ, Vụ trưởng Vụ TCCB, Bộ GTVT đã công bố quyết định số 639/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc công nhận PGS.TS. Phạm Xuân Dương là Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025.